Trường Đại học Quốc tế tổ chức Hội nghị Mạng lưới Vận trù học – Tối ưu hoá Việt Nam năm 2022 - HCMIU

Trường Đại học Quốc tế tổ chức Hội nghị Mạng lưới Vận trù học – Tối ưu hoá Việt Nam năm 2022

PGS.TS. Lê Văn Cảnh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, (ĐHQG-HCM) – phát biểu khai mạc Hội nghị sáng ngày 6/8/2022

Từ ngày 4 – 7/8/2022, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đồng tổ chức Hội nghị Mạng lưới Vận trù học – Tối ưu hoá Việt Nam năm 2022.

Vận trù học là một nhánh của toán học và khoa học ứng dụng, sử dụng các phương pháp giải tích tiên tiến như mô hình toán học, giải tích thống kê, và tối ưu hóa để tìm ra được lời giải tối ưu hoặc gần tối ưu của những vấn đề ra quyết định phức tạp (phức hợp). Trọng tâm của ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp và ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là đào tạo ra những kỹ sư để quản lý, điều phối, thiết kế và cải tiến các hệ thống sản xuất và dịch vụ và trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí tiền bạc, thời gian, sức lao động, năng lượng, và các nguồn lực khác trong khi tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về an toàn. Để giải quyết những bài toán của ngành cần sử dụng các phương pháp giải toán của lĩnh vực Vận trù học.

Hiện nay, ngành Vận Trù học – Tối ưu hóa ở Việt Nam và Quốc tế là một ngành rất có tiềm năng nhưng sự kết nối, nhận thức và ứng dụng tối ưu hóa vào thực tiễn, trong sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Hội nghị được tổ chức với mong muốn quảng bá vai trò của ngành vận trù học, tối ưu hóa trong các lĩnh vực ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng đồng thời góp phần cải tiến hiệu quả hoạt động và chất lượng trong hệ thống sản xuất và dịch vụ. Qua đó, sinh viên, diễn giả, người tham gia sẽ có nhận thức đúng đắn hơn về ngành vận trù học/tối ưu hóa.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) – cho biết: “Hội nghị sẽ tạo cơ hội kết nối lý thuyết với các ứng dụng thực tế, trong đó nhà quản lý, doanh nhân, kỹ sư, có thể học hỏi kinh nghiệm, tiếp xúc với nhà nghiên cứu khoa học, đào tạo về quy hoạch, tối ưu hóa trong quản lý các hệ thống sản xuất, logistics và chuỗi cung ứng. Ban tổ chức chúng tôi xem đây là cơ hội tuyệt vời cho chính chúng tôi – những người đang nghiên cứu khoa học – và các đồng nghiệp là các học giả, giảng viên cùng với những đối tượng quan tâm khác đến từ các trường đại học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi các nghiên cứu, thông tin về những phát triển mới nhất trong lĩnh vực ứng dụng Vận trù học – Tối ưu hóa tại Việt Nam”. Hội nghị năm nay với chủ đề “Nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các công cụ tối ưu trong doanh nghiệp ở Việt Nam” sẽ có nhiều nội dung làm việc khác nhau. Cụ thể, ngày 4 và 5 tháng 8, Hội nghị sẽ mở đầu với các khóa học thực hành nhằm hướng dẫn giải một số bài toán học máy sử dụng các kỹ thuật Tối ưu hóa. Các báo cáo tham luận chính được trình bày trong 2 ngày 6-7/8, thu hút gần 200 giảng viên, học giả, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh học, học viên cao học, sinh viên thuộc các ngành Toán, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Công nghiệp, Kinh tế và Quản trị Kinh doanh của nhiều trường đại học tại TP. HCM.

Là 1 trong những diễn giả chính trong buổi tọa đàm ngày 6/8, ông Vincent Gosselin – Trưởng nhóm phát triển phần mềm ILOG, IBM với bài tham luận chủ đề “AI dự đoán và chỉ định trong công nghiệp: Các phương pháp hay nhất và trường hợp sử dụng trong các tài khoản lớn” cho biết: “Mô hình hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức trong các dự án phát triển các ứng dụng Vận trù học (OR) trong thực tế. Trong buổi nói chuyện này, trước tiên chúng ta tập trung vào các bước chính của việc xây dựng một “mô hình OR tốt” và cách tránh vô số khó khăn đang chờ đợi “người lập mô hình Al” mới vào nghề. Thứ hai, chúng tôi sẽ cung cấp một góc nhìn lớn hơn bằng cách xem xét mô hình “tối ưu hóa” trong bối cảnh của một dự án phần mềm tổng thể. Quan điểm quan trọng này cũng hay bị đánh giá thấp và dễ gặp nhiều thất bại.”

Ông Vincent Gosselin – Trưởng nhóm phát triển phần mềm ILOG, IBM cho biết:“Mô hình hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đầy thách thức trong các dự án phát triển các ứng dụng Vận trù học (OR) trong thực tế”

Tiếp tục phiên làm việc ngày 7/8, PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp trường Đại học Quốc tế, tham gia Hội nghị với bài tham luận “Toán học cho vấn đề cân bằng dây chuyền lắp ráp với thời gian xử lý ngẫu nhiên”. Trong nghiên cứu này, một mô hình toán được hình thành để giải quyết vấn đề Cân bằng chuyền lắp ráp (Assembly line balancing – ALB) với các biến ngẫu nhiên trước khi được matheuristics được áp dụng. Matheuristics được đề xuất hoạt động tốt hơn mô hình nguyên hỗ hợp (mixed integer programming) về thời gian tính toán. Ngoài ra, nó còn mang lại hiệu suất tốt hơn đáng kể so với các metaheuristic như Thuật toán di truyền (Genetic Algorithm) và Tối ưu bầy đàn (Particle Swarm Optimization) trong một số trường hợp.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp trường Đại học Quốc tế, phát biểu phần Thảo luận trong Hội nghị

Ngoài báo cáo các tham luận, hội nghị lần này cũng được xem là diễn đàn cho cộng đồng nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng Vận trù học – Tối ưu hóa tại Việt Nam và Quốc tế, có thể trao đổi ý tưởng, cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất, hợp tác trong các dự án nghiên cứu chung về tối ưu hóa trong hệ thống sản xuất, chuỗi cung ứng và Logistics.

Các đại biểu cùng sinh viên tham gia Hội nghị Mạng lưới Vận trù học – Tối ưu hoá Việt Nam năm 2022 chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ Bế mạc

 

TIN NỔI BẬT

DANH SÁCH TRÚNG TUYỂN

Phương thức 01

Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023

Phương thức 03

Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng

Phương thức 05

Xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài

DANH SÁCH HỌC BỔNG

Phương thức 01

Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023

Phương thức 03

Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng

Phương thức 05

Xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài

BÁO CHÍ VIẾT GÌ VỀ CHÚNG TÔI

CỰU SINH VIÊN NÓI GÌ VỀ TRƯỜNG

Tính đến tháng 10.2022, trường Đại học Quốc tế đã có 15 khóa tốt nghiệp bậc Đại học với 7108 cử nhân và kỹ sư, 11 khóa tốt nghiệp bậc Sau Đại học với 900 Thạc sĩ, Tiến sĩ.

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ